Lăng Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 16-3-1993. Để tưởng niệm và ghi nhớ công lao nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vào ngày giỗ của ông (3-7 âm lịch) hằng năm thường có các lễ hội rất đặc sắc, thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như khách tham quan. Khu mộ của ông được xây dựng trên phần đất của một học trò cũ, hiện nay được trùng tu và đang được tiếp tục mở rộng, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, sinh ngày 1-7-1822, tại Gia Định. Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên, làm quan trong dinh Tổng trấn Gia Định; thân mẫu là bà Trương Thị Nguyệt, người làng Tân Thới, tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu theo cha định cư ở Huế một thời gian, sau đó về sống ở quê mẹ, thi đỗ tú tài vào năm 1843. Đến năm 1849, khi đang ở Huế chờ thi Hội, nghe tin mẹ mất, ông về chịu tang, vì khóc thương mẹ mà mù cả hai mắt. Đến khi mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học, làm thầy thuốc và sáng tác thơ văn.
Một học trò tên Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương thầy nên về xin phép mẹ cho em gái là Lê Thị Điền kết duyên cùng thầy học của mình. Đến năm 1859, khi giặc Pháp chiếm đóng thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu và gia đình về quê vợ ở Cần Giuộc sinh sống. Cũng trong giai đoạn này, nhiều thơ văn yêu nước được ông sáng tác, tiêu biểu là bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” để tế các vong linh nghĩa quân chết trong trận Cần Giuộc. Khi Cần Giuộc bị quân Pháp chiếm, ông chọn Ba Tri làm nơi sinh sống. Ở đây, ông đã cương quyết trước mọi thủ đoạn mua chuộc của giặc, không hợp tác và tiếp tục dùng thơ văn của mình làm vũ khí cổ động quần chúng nhân dân đứng lên chống giặc. Trong thời kỳ chiến tranh, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam đã lập ra giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu và công bố vào năm 1965. Giải thưởng dùng để dành tặng cho các tác giả, tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở miền Nam. Năm 1888, ông qua đời, để lại cho đời một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và ý chí sắc bén.
Lăng Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng ở một nơi thật yên bình. Khi đến viếng lăng Nguyễn Đình Chiểu, ta mới cảm nhận được sự bình yên, êm ả với những ngôi nhà tranh xưa của người dân xung quanh khu lăng mộ. Trong lăng là một vườn hoa kiểng xanh mơn mởn, phía dưới khu điện thờ trang nghiêm tôn kính với bốn hàng chữ ở hai bên bệ thờ ghi lại những câu nói nổi tiếng của ông: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” và “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/Văn chương tỏa rạng ánh sao khuê”. Đây còn là nơi lưu giữ bút tích, những tác phẩm văn học nổi tiếng của ông và những hình ảnh, những dòng lưu niệm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, của nhân dân trong và ngoài nước khi đến viếng. Nhiều trường học trong vùng cũng tổ chức đưa các em đến tham quan trong giờ ngoại khóa.