Cái Mơn, vườn trái cây nổi tiếng của Bến Tre, là quê hương của trái sầu riêng. Về miệt vườn, hễ rủ nhau đi ăn sầu riêng hay măng cụt thì tốt nhất nên tìm đến các vườn cây ăn, vừa rẻ tiền lại vừa thoải mái, tha hồ mà thưởng thức.
Mùa hè là mùa sầu riêng. Nếu có dịp xin mời các bạn ghé thăm các vườn sầu riêng ở Cái Mơn. Cứ theo hương sầu riêng ngào ngạt dẫn đường đưa lối các bạn đến tận nơi.
Vườn sầu riêng thật sáng sủa, quang đãng chứ không âm u như vườn chôm chôm, mận, ổi hay măng cụt. Cây trồng thường thẳng tắp, mặt đất bằng phẳng và không có một ngọn cây cỏ. Nhưng trong những năm gần đây các vườn sầu riêng còn trồng xen kẽ thêm các loại cây ăn quả khác như khóm (thơm), ổi hoặc chuối.
Sầu riêng có họ hàng với họ nhà mít và vì nó kết trái trên đọt cây cao nên người ta còn gọi cây sầu riêng là “cây mít đọt”. Quả sầu riêng bé hơn quả mít nhiều, gai rất to, dài và cứng nhưng rất sắc bén. Vỏ nó dày cộm như vỏ mít nhưng vừa cứng vừa dai. Quả sầu riêng khi chín không giống như các loại cây ăn quả khác là tự nó sẽ rụng xuống đất vào ban đêm. Sáng sớm chủ vườn cứ ra các gốc cây tha hồ mà nhặt lấy.Thỉnh thoảng, sầu riêng buồn tình nên cũng phá luật tự rụng vào ban ngày.
Quả sầu riêng nặng trung bình từ một đến hai ký. Khi chín muồi, vỏ nó tự tách ra theo những khe nhất định, chia thành bốn hoặc năm mảnh theo chiều dọc, để lộ ra những múi béo ngậy nằm gối lên nhau, các múi đều nằm trong những buồng riêng biệt, mỗi buồng có từ 1 – 4 múi, lớn bé không đều nhau. Múi to nhất cũng bằng quả trứng vịt. Mỗi trái có nhiều nhất cũng được10 múi.
Giá trị mỗi trái sầu riêng còn tuỳ thuộc vào số lượng múi nhiều hay ít nhưng chủ yếu là ở chất lượng của cơm có ngon hay không. Cơm sầu riêng màu trắng ngà hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt. Cơm càng dày càng ngọt, càng béo, càng thơm tho. Chất béo của cơm sầu riêng gợi cho người ăn như cái béo của bơ hay sữa. Nó béo đến mức độ nhiều người ăn chẳng vô, phải dừng lại ở vài ba múi đầu tiên. Người hăng hái nhất và có duyên nợ với sầu riêng cũng chỉ “thưởng thức” một trái là cùng.
Tuy nhiên, cái thơm của sầu riêng làm rầy rà lắm chuyện. Có kẻ nghe mùi sầu riêng mà phát thèm, lắm người thì chịu không nổi cái mùi phát ra quá nặng và khó ngửi phải đau đầu, bịt mũi tránh xa. Người ta ăn sầu riêng từ hôm trước thế mà vài hôm sau cái mùi hương sầu riêng vẫn còn phảng phất trên đôi môi và đôi tay chưa phai. Và, cũng chính cái mùi hương lạ đời đó mà người ta chế ra đủ loại kem sầu riêng ngon hết ý để lại biết bao kỷ niệm của tuổi học trò khó quên…
Theo truyền miệng, xuất xứ của loại quả này là từ Campuchia, do ông Nguyễn Duy Lưu (1857 – 1947) một thầy dạy Nho học ở Cái Mơn, rất yêu thích cảnh điền viên. Khoảng năm 1910, ông được mời sang Campuchia để dạy học cho con các Hoàng Gia. Tình cờ ông thưởng thức loại trái lạ, có mùi vị rất đặc trưng. Khi ăn thì vị ngọt thanh kết hợp với mùi thơm lừng làm những ai lần đầu tiên thưởng thức cũng phải nhớ mãi không quên.
Ông Lưu đưa giống cây lạ này về trồng trên mảnh vườn nhà tại Cái Mơn – Bến Tre và đặt tên là “sầu riêng sữa bò”. Sầu riêng sữa bò của ông Lưu chỉ cho trái vào mùa hè, vào tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Trái khi chín vẫn xanh ngắt, mỏng vỏ, gai thưa, khi chín múi lớn vàng ươm, có vị ngọt dịu và béo ngậy như sữa, hương thơm thì ngào ngạt. Đặc biệt là đúng 12 giờ trưa hay nữa đêm, khi trái tự rụng xuống thì mới chịu chín. Tiếng đồn về một giống trái ngon có vị lạ bay xa, đến mùa thu hoạch, nhiều người trong và ngoài tỉnh Bến Tre hiếu kỳ tìm đến vườn ông Lưu để thưởng thức trái lạ và xin giống về trồng.