Du lịch ba miền

các địa điểm du lịch nổi tiếng không thể bỏ lỡ khi đến sa pa

 

Chinh phục đỉnh Fanxipan

Fansipan là ngọn núi cao 3.143 m vì thế nó được ví như nóc nhà Đông Dương, nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Mặc dù chỉ cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam, nhưng bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này nếu đi bộ leo núi. Hiện nay, rất nhiều nhà leo núi cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tìm đến chinh phục đỉnh Fansipan.
Trên đường lên chinh phục đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên hoang dã và độc đáo của dãy Hoàng Liên Sơn. Ở đây có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý và các loại gỗ quý, chim thú quý như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim quý hiếm khác…
Phổ biến nhất và được nhiều du khách lựa chọn hiện nay là đi cáp treo lên đỉnh núi. Tuyến cáp treo Fansipan đi vào hoạt động đầu năm 2016, đã giúp hàng chục nghìn du khách đã đặt chân tới đỉnh Fansipan chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp của nóc nhà cao nhất Đông Dương.

Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với hình dáng và ý nghĩa “Hàm của rồng”.
Nằm ngay gần thị trấn Sa Pa, cao khoảng 2000m, quanh núi Hàm Rồng có nhiều kiểu núi khác nhau; rừng kín thường xanh, với các loại cây lá rộng xanh quanh năm và các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt…

Núi Hàm Rồng có đặc điểm là rừng thưa, ít rậm rạp, thỉnh thoảng có cây lá rộng xen kẽ. Với độ cao của đỉnh núi thì hầu như không còn cây cối nhiều, chỉ có lác đác trúc lùn và gió bụi thổi.Chính vì vậy đường lên chinh phục núi Hàm Rồng được các cơ quan tổ chức cải thiện rất nhiều, bằng việc trồng nhiều các loại hoa cây cảnh, tượng các loài động vật rất phù hợp cho việc “check in” của khách du lịch.

Nhà thờ đá Sapa

Nhà thờ Đá sapa được xây dựng từ năm 1895 có vị trí nằm ngay trung tâm thị trấn Sapa, được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.

Thung lũng Mường Hoa – Bãi đá cổ Sa pa

Cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam, thuộc xã Hầu Thào thung lũng Mường Hoa là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây.Điều hấp dẫn ở thung lũng Mường Hoa là có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.
Hiện nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Được rất nhiều khách du lịch tìm đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của nơi đây.

Cổng trời ở Sa Pa

Nói đến đến cổng trời, người ta thường nghĩ đến cổng trời Quản Bạ ở Hà Giang. Nhưng ít người biết rằng Sa Pa cũng có một cổng trời. Đây là đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam có thể đi tới để chiêm ngưỡng đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà của Đông Dương.

Đi về hướng Bắc theo hướng đi Lai Châu, cách thị trấn Sa Pa khoảng 18 km, đường lên cổng trời uốn lượn,ngoằn ngoèo giữa lưng chừng núi trùng điệp.Con đường đèo này tên là Ô Quy Hồ, len lỏi,uốn lượn giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cổng Trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng trên cổng trời bạn có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát thung lũng phía dưới, phong cảnh hùng vĩ mà tráng lệ.

Thác Bạc

Thác Bạc là một thắng cảnh đẹp thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Thác cách khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12 km về hướng tây nên khá thuận lợi để du khách ghé thăm.

Thác Bạc là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc hùng vĩ,nước đổ từ trên xuống bạc trắng cả một dải thác và đây cũng được coi là nguồn gốc tên gọi của thác. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá vì vậy được người dân gọi là thác Bạc.

Cầu Mây

Cầu Mây cách thị trấn Sa Pa khoảng 7 km về phía Đông Nam trên đường đến xã Tả Van.
Ngày trước, cây cầu là con đường duy nhất để các cư dân địa phương đi từ Xã Tả Van đến trung tâm thị trấn Sa Pa. Trải qua nhiều năm tháng nên cây cầu càng ngày càng xuống cấp. Đồng thời do sự phát triển của du lịch Sa Pa, lượng khách hiếu kỳ về một cây cầu đẹp ngày càng tăng nên người ta đã làm thêm một cây cầu mới bằng gỗ vững chãi nằm bên cạnh dành cho người dân địa phương đi lại còn cây cầu cũ thì được tu sửa lại và chỉ dành cho những du khách hiếu kỳ đến thăm quan.

Exit mobile version